Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam
Hà Nội
Hà Nội
A- A A+ |

126 xã, phường Hà Nội vận hành thử nghiệm thành công, sẵn sàng đi vào hoạt động từ ngày 1-7

Ngày 27-6, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết sau 1 tuần vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Kết quả sơ kết cho thấy, mặc dù còn không ít khó khăn, vướng mắc, song, 126 xã, phường mới của Thành phố đã ở tư thế sẵn sàng đi vào vận hành chính thức bảo đảm thông suốt từ ngày 1-7.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy Hà Nội kết nối tới 135 điểm cầu sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và 126 xã, phường mới. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Minh Hải; Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai...

Hội nghị trực tuyến sơ kết vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội

Vượt mọi khó khăn, hoàn thành thử nghiệm

Báo cáo sơ kết và kết quả vận hành thử nghiệm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Hồng Nhật cho biết, từ ngày 20-6 đến 26-6, 126 xã, phường mới và toàn bộ hệ thống chính trị đã vận hành thử nghiệm quy mô lớn với nhiều kịch bản chưa từng có. Việc triển khai diễn ra khẩn trương, nghiêm túc, đảm bảo liên tục, thông suốt và không để xảy ra khoảng trống quyền lực. Công tác chuẩn bị về con người, cơ sở hạ tầng, và kịch bản đều đáp ứng yêu cầu vận hành 10 nhóm tình huống. Cơ chế phối hợp giữa các cấp phát huy hiệu quả, xử lý kịp thời các sự cố. Cán bộ, chuyên viên các xã, phường mới thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nhanh chóng thích nghi. Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo "thần tốc, quyết liệt, đồng bộ".

Các sở, ngành đã triển khai khối lượng công việc lớn. Trong đó, Văn phòng UBND và Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố quản lý, cấu hình và duy trì hệ thống thông tin dùng chung, thiết lập Cổng tiếp nhận và điều phối vận hành hệ thống Chính quyền số hai cấp, xây dựng phương án xử lý vướng mắc và thành lập đường dây nóng 24/7. Hơn 300 cán bộ kỹ thuật đã được cử đến các đơn vị để hỗ trợ trực tiếp. Tổng đài 1022 và đường dây nóng 19001009 hoạt động ổn định. 11 tổ công tác của UBND thành phố bám sát địa bàn, chỉ đạo và tháo gỡ khó khăn cho 30 quận, huyện, thị xã và 126 xã, phường mới.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Hồng Nhật báo cáo tại hội nghị

Kết quả cụ thể, 100% cán bộ, công chức đã được cấp tài khoản và vận hành thử nghiệm thành công từ ngày 20-6. Quy trình tiếp nhận, xử lý, và ban hành văn bản được thực hiện toàn trình trên môi trường mạng, đảm bảo nhanh chóng, chính xác. Hệ thống thư điện tử công vụ hoạt động thông suốt. Các xã, phường mới đã vận hành thành công đường truyền trực tuyến, tham gia đầy đủ các buổi họp, tập huấn. Các đơn vị đã thử tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực và lập nhóm Zalo hỗ trợ. Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐND, UBND của 126 xã, phường mới đã giải quyết các tình huống giả định. Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ và kỳ họp thứ nhất của HĐND các xã, phường đã được tổ chức thành công. UBND các xã, phường đã họp thông qua Dự thảo Đề án sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập và Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2025.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Hà Minh Hải điều hành phiên thảo luận

Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn: nguồn lực cho vận hành thử nghiệm bị ảnh hưởng do cán bộ phải xử lý công việc cũ và bàn giao hồ sơ, tài sản; cơ sở vật chất và hạ tầng thông tin ở một số nơi đã cũ, cần nâng cấp; hệ thống phần mềm giải quyết thủ tục hành chính còn một số nội dung chưa phù hợp.       

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Minh Hải cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành kế hoạch chi tiết triển khai chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1-7. Các quận, huyện đã bám sát chỉ đạo và triển khai vận hành thử nghiệm. Hiện tại, các xã, phường cơ bản có thể triển khai đồng bộ các chỉ đạo chung của Thành ủy. Đồng chí Hà Minh Hải đề nghị các xã, phường, đặc biệt là những đơn vị vùng sâu, vùng xa, chia sẻ khó khăn và kiến nghị để các sở, ban, ngành hỗ trợ kịp thời.

Lãnh đạo các xã, phường mới phát biểu thảo luận qua đường truyền trực tuyến

Tại hội nghị, Bí thư Đảng ủy xã Hương Sơn mới Trần Đức Hải đề xuất tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất do trụ sở làm việc còn phân tán và khó khăn về điều kiện đi lại. Bí thư Đảng ủy xã đảo Minh Châu Nguyễn Đức Tiến chia sẻ xã đã hoàn thành 3 lần vận hành thử nghiệm dù thiết bị và đường truyền chưa đồng bộ. Minh Châu cũng đi đầu trong việc sử dụng ChatGPT để cập nhật chỉ đạo mới và kiến nghị hỗ trợ cơ sở vật chất, đặc biệt là nhà công vụ và hạ tầng thông tin hiện đại. Bí thư Đảng ủy xã Tiến Thắng mới cho biết đã sẵn sàng cho ngày vận hành chính thức và kiến nghị thành phố sớm có văn bản hướng dẫn phân bổ ngân sách. Bí thư Đảng ủy phường Kim Liên mới Hoàng Thị Phương Ngọc chỉ ra một số bất cập như đường truyền thiếu ổn định và một số cán bộ chưa làm chủ phần mềm mới, nhấn mạnh cần chủ động, bài bản trong chuẩn bị.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết Sở đã hoàn tất thiết lập Trung tâm phục vụ hành chính công tại 126 xã, phường và ban hành đầy đủ hướng dẫn chi tiết. Đại diện Sở Tài chính đã tham mưu điều chỉnh, giao dự toán ngân sách và bố trí thêm 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị để mua sắm thiết bị. Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo 100% xã, phường đã hoàn thiện 4 hệ thống thông tin dùng chung và kiến nghị bố trí cán bộ công nghệ thông tin chuyên trách tại cấp xã.

“Hơn nhau là ở ý chí, quyết tâm và hành động”

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ghi nhận, đánh giá cao các sở, ngành, 30 quận, huyện, thị xã, cán bộ, công chức 126 xã, phường mới, các tổ công tác của Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố đã nỗ lực rất lớn với tinh thần trách nhiệm cao, vượt qua mọi khó khăn để tổ chức vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đem lại những kết quả tích cực cùng nhiều kinh nghiệm cần thiết để sẵn sàng vận hành chính thức từ ngày 1-7 tới. Trong đó, nhiều xã, phường đã chủ động, sáng tạo, không chỉ bám theo kế hoạch, kịch bản, mà còn căn cứ vào thực tiễn ở địa phương để vận hành bộ máy mới.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận chỉ đạo hội nghị

Tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý, quá trình vận hành thử nghiệm còn cho thấy một số hạn chế, nhất là chất lượng đường truyền tổ chức họp trực tuyến chưa đảm bảo, chưa đồng đều.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị, các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy 126 xã, phường quán triệt đội ngũ cán bộ, công chức phải vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất và phải hết sức chia sẻ, hỗ trợ đồng chí, đồng nghiệp, tất cả vì mục tiêu chung là vận hành bộ máy thông suốt, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, đến thời điểm này, 126 xã, phường của thành phố đã rõ về tổ chức bộ máy, con người, cơ sở vật chất, trụ sở làm việc. Nhiệm vụ hàng đầu của cấp ủy, chính quyền các xã, phường là phải tập trung phân công nhiệm vụ, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội lưu ý, dù có chuẩn bị kỹ đến đâu cũng không thể lường hết được các tình huống trong thực tiễn, nên cấp ủy, chính quyền, trước hết là người đứng đầu các xã, phường phải căn cứ vào tình hình thực tiễn để giải quyết, không lệ thuộc vào việc có quy định hay chưa, có phân công hay chưa. Tinh thần cốt lõi là lấy hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu quan trọng hàng đầu; không để xảy ra tình trạng người dân hay doanh nghiệp đến làm việc mà không biết ai xử lý, không được giải quyết, giới thiệu vòng vo...

“Tôi đề nghị lãnh đạo các phường, xã phải phân công cụ thể lãnh đạo phụ trách việc xử lý những tình huống phát sinh như vậy” - đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý, không được để xảy ra trường hợp vì thiếu cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc mà làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ nhân dân. Khi phát hiện các trường hợp này hoặc khi cơ sở kiến nghị, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Phục vụ hành chính công, Sở Tài chính phải phối hợp giải quyết ngay.

“Thời gian tới, trong đầu tư hạ tầng cho các địa phương thì ưu tiên số một là cho công nghệ phục vụ công việc, phục vụ người dân cũng như đầu tư cho y tế, giáo dục... Tôi đề nghị các đồng chí không bàn về việc xây trụ sở mới ít nhất là trong 3 năm tới” - đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Liên quan đến đột phá về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu 126 xã, phường khẩn trương xây dựng ngay kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19-6-2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; trước mắt tập trung ngay vào chuyển đổi số.

“Ban Thường vụ Thành ủy xác định đây là công việc trọng tâm, trọng yếu. Sắp tới, đây cũng là nội dung ưu tiên hàng đầu trong công tác kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy đối với cấp ủy các cấp. Bởi vì muốn phục vụ nhân dân tốt hơn, muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy thì không có giải pháp nào khác, ngoài đẩy mạnh chuyển đổi số” - đồng chí Nguyễn Văn Phong nói.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các xã mới tập trung xây dựng các quy chế làm việc, quy chế phối hợp, nhất là quy chế phối hợp giữa chính quyền với lực lượng công an, quân đội, thành lập khu vực phòng thủ dân sự, sẵn sàng ứng phó với các vấn đề thiên tai, bão lũ trong thời gian tới. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các xã mới cần xây dựng kế hoạch công tác cụ thể, chi tiết trong những ngày đầu, tuần đầu, tháng đầu bộ máy đi vào hoạt động, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tất cả phải thể hiện rõ tinh thần làm việc mới, khí thế mới và thể hiện được tính chất ưu việt của bộ máy mới, đem lại sự hài lòng cho người dân.

Các phường, xã cần tập trung tuyên truyền, động viên nhân dân gắn với triển khai trang trí, vệ sinh môi trường, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phù hợp để ngày 1-7 thực sự là ngày hội của toàn dân.

Các sở, ngành thành phố tăng cường phối hợp giải quyết những vấn đề chung; phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, chủ động giúp đỡ, hỗ trợ các xã, phường hoạt động “thông đồng bén giọt”. Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy cùng Sở Nội vụ, Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất sớm về các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, cần thiết, kịp thời động viên cán bộ, công chức ở các địa bàn xa trung tâm. Ban Tổ chức Thành ủy và Sở Nội vụ xây dựng ngay cơ chế đánh giá cán bộ, công chức, bảo đảm cách thức và nội dung đánh giá thực chất.

“Việc sắp xếp hiện nay mới là bước đầu. Không thể lấy cách làm cũ, tư duy cũ để áp dụng vào mô hình mới. Cán bộ, công chức đã được bố trí vào vị trí công tác không có nghĩa là “bất di bất dịch”. Phải lấy thước đo hiệu quả công việc để phân công, bố trí đội ngũ” - đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá, với sự nỗ lực cố gắng của cả thành phố, 30 quận, huyện, thị xã, các sở, ngành, cùng sự chuẩn bị chu đáo, trách nhiệm, đến nay, kết quả đạt được cơ bản là tốt, tạo sự hứng khởi của cán bộ, công chức và nhân dân. Đồng chí Nguyễn Văn Phong tin tưởng, khi đi vào vận hành chính thức, 126 xã, phường mới sẽ phát huy được điều kiện, cơ hội mới để phát triển ngày càng lớn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: “126 xã, phường mới bây giờ sẽ cùng một vạch xuất phát, nên sự hơn, khác nhau trong phát triển thời gian tới phụ thuộc vào tinh thần, ý chí, quyết tâm và cách thức tổ chức thực hiện của các đồng chí sao cho hiệu quả nhất. Mong các đồng chí nỗ lực để có khởi đầu thuận lợi, sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới”.

Phan Lâm - Nguyễn Quang

Các tin khác

Tin đọc nhiều