Đồng chí Trần Đức Lương - nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, chính trực, người đồng chí thân thiết, gần gũi, người lãnh đạo kỹ trị đáng kính, mẫu mực, nhà khoa học xuất sắc, suốt đời tận tụy vì nước, vì dân, vừa vĩnh biệt chúng ta.
Sự ra đi của Đồng chí là niềm tiếc thương vô hạn, nhưng đồng thời cũng để lại những di sản quý giá và là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Đồng chí Trần Đức Lương sinh ngày 5-5-1937 tại Quảng Ngãi - mảnh đất tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng. Sau Hiệp định Geneve chia cắt đất nước làm hai miền Nam - Bắc, năm 1955, khi vừa tròn 18 tuổi, đồng chí Trần Đức Lương tập kết ra Bắc, theo học sơ cấp kỹ thuật địa chất, mở đầu cho quá trình nhiều năm đồng chí gắn bó với ngành Mỏ - Địa chất, một ngành công nghiệp quan trọng mang tính nền tảng cho phát triển đất nước.
Kể từ đó tới năm 1986, Đồng chí dành hơn 30 năm gắn bó bền bỉ với ngành Mỏ - Địa chất, nhanh chóng khẳng định năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao, được tín nhiệm giao đảm đương nhiều vị trí quan trọng, là Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất (nay là Cục Địa chất và Khoáng sản) trong giai đoạn 1979-1987.

Đồng chí đã trực tiếp lăn lộn trên khắp các địa bàn rừng núi của các vùng miền trên đất nước ta, cần mẫn khảo sát và nghiên cứu địa chất, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương và cả nước; là đồng tác giả công trình nghiên cứu lập "Bản đồ địa chất tỉ lệ 1-500.000 miền Bắc Việt Nam" - công trình hợp tác Xô - Việt trong các năm 1960-1965; là đồng chủ biên cụm công trình nghiên cứu lập "Bản đồ địa chất Việt Nam tỉ lệ 1-500.000" xuất bản năm 1988 và được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005.
Những kinh nghiệm thực tiễn phong phú từ ngành Mỏ - Địa chất đã tôi luyện, rèn giũa cho đồng chí Trần Đức Lương tầm nhìn chiến lược, sát thực tiễn, khả năng tư duy, phân tích sắc bén và tinh thần làm việc khoa học, nghiêm túc; tạo nền tảng quan trọng cho những đóng góp to lớn của Đồng chí trong thời kỳ đổi mới đất nước từ năm 1986, trên các cương vị lãnh đạo Chính phủ đến người đứng đầu Nhà nước.
Từ năm 1987, ngay sau khi Đảng chủ trương đổi mới và hội nhập, đồng chí được phân công làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ). Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991, Đồng chí được Đảng tín nhiệm bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và từ năm 1992, Đồng chí được Quốc hội bầu giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ.
Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (năm 1996), Đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước và đảm nhận cương vị này trong 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng cho đến năm 2006. Trên các cương vị lãnh đạo Chính phủ và Nhà nước, đồng chí Trần Đức Lương đã có nhiều đóng góp quan trọng, toàn diện vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước với những dấu ấn nổi bật, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trên mặt trận kinh tế, với vai trò Phó Thủ tướng, đồng chí Trần Đức Lương đã cùng với tập thể lãnh đạo Chính phủ đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đồng chí đã dành nhiều tâm huyết chỉ đạo công tác nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, đặc biệt là dầu khí, góp phần quan trọng vào tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; đồng thời tham gia sâu rộng vào quá trình xây dựng các chính sách kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích đầu tư nước ngoài; cùng Bộ Chính trị và Chính phủ đưa ra những đường lối, chủ trương đúng đắn để vượt qua khó khăn, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô và chế độ XHCN ở các nước Đông Âu, Đồng chí đã đề xuất đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Liên bang Nga, nhất là trong các lĩnh vực dầu khí và năng lượng. Trong đó, nổi bật là việc duy trì mua các tổ hợp thiết bị cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, ký lại và triển khai Hiệp định hợp tác Việt - Nga trên lĩnh vực dầu khí theo những nguyên tắc và thông lệ quốc tế, cải tổ Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (Vietsovpetro) và duy trì hoạt động của Ủy ban hợp tác Liên Chính phủ Việt - Nga. Đồng chí đã chỉ đạo và tham gia chỉ đạo soạn thảo nhiều dự án luật và nghị quyết quan trọng của Chính phủ thời kỳ đầu đổi mới, trong đó có Luật Đầu tư nước ngoài tại V